top brands
TH TRUE MILK

Cần thiết ban hành tiêu chuẩn về mực in cho bao bì thực phẩm

18/10/2023 10:27

Để bảo vệ khách hàng ngành bao bì và công nhân ngành sản xuất mực in, cần có tiêu chuẩn mực in nhằm đưa ra các yêu cầu cơ bản về mực an toàn được sử dụng trong bao bì tiếp xúc với thực phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm nhằm ngăn chặn mối nguy hại cho người sử dụng, cũng như giảm thiểu tác hại đối với môi trường, đảm bảo các lợi ích cho cộng đồng.

Trong ngành công nghiệp in ấn, bao bì thực phẩm là một trong những ứng dụng phổ biến nhất. Trên bao bì thực phẩm thường in nhiều hình ảnh, thông tin như thành phần, hướng dẫn sử dụng, số lô, ngày hết hạn, mã vạch… đáp ứng các quy định của pháp luật, yêu cầu của nhà bán lẻ, nhu cầu truy xuất nguồn gốc, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như cho mục đích tiếp thị.

Mực được sử dụng trên nhiều chất liệu đóng gói khác nhau và có thể in trực tiếp lên các loại vật liệu từ nhựa, giấy, bìa… đến nút bấc. Trong suốt vòng đời của hàng hóa thực phẩm, mực in có khả năng “di chuyển” hay thấm vào bề mặt bên trong bao bì và tiếp xúc với thực phẩm bởi nhiều lý do. Hiện tượng “di chuyển” này của mực in cũng phụ thuộc vào tính chất vật liệu, ví dụ, thùng cac-ton và bìa có độ thấm cao trong khi thủy tinh không có độ thấm.

Các nghiên cứu đã tìm thấy mực in trong thực phẩm từ cuối những năm 80. Năm 1989, Castle và cộng sự đã báo cáo có chất hóa dẻo trong thực phẩm.

Theo báo cáo “Printing ink compounds in foods: UK survey results”, năm 2012, từ kết quả nghiên cứu 350 thực phẩm được đóng gói trong giấy/bìa in được mua từ các cửa hàng bán lẻ ở Anh, sử dụng phương pháp chiết xuất dung môi của tất cả các loại thực phẩm và mẫu đảm bảo chất lượng được phân tích bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) đã xác định sự hiện diện và nồng độ của 20 hợp chất mực in, trong đó có benzophenone, trong một số mẫu thực phẩm. Nghiên cứu cũng thực hiện phân tích vật liệu đóng gói để xác nhận xem liệu có khả năng sự xuất hiện của các hợp chất này trong thực phẩm là do sự di chuyển từ bao bì giấy/bìa in hay không. Ngoại trừ triphenyl photphat được phát hiện trong một loại thực phẩm, tất cả vật liệu đóng gói đều chứa các chất tìm được trong thực phẩm.

Để sản xuất mực in người ta có thể phải sử dụng tới hàng nghìn hợp chất khác nhau và điều này đặt ra thách thức đáng kể đối với xây dựng và thực thi quy định đối với mực in dùng cho bao bì thực phẩm.

Tại EU, các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm được quản lý theo Quy định khung EU 1935/2004 về vật liệu và vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm, trong đó cho phép xây dựng các quy định quản lý về mực in. Mực in sử dụng trên vật liệu polyme được quy định tại Quy định EC 1282/2011 về vật liệu nhựa. Tuy nhiên, đối với tất cả vật liệu tiếp xúc với thực phẩm khác, cho đến thời điểm này, không có quy định cụ thể nào về mực in được sử dụng trong vật liệu tiếp xúc với thực phẩm được ban hành theo luật cộng đồng Châu Âu.

Sau khi tuân thủ các quy định này, mực in tiếp xúc với thực phẩm có thể được đưa ra thị trường trên toàn EU, tuân theo luật pháp của quốc gia thành viên và nguyên tắc công nhận lẫn nhau. Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất ở châu Âu hiện có luật quy định cụ thể về mực in bao bì thực phẩm. Về cơ bản, Pháp lệnh RS 817.023.21 của Thụy Sĩ thiết lập các điều khoản cụ thể đối với một số loại vật liệu và vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm, bao gồm cả mực in bao bì thực phẩm.

Tại Hoa Kỳ, mực in được quy định trong Bộ luật Quy định Liên bang theo Tiêu đề 21 về thực phẩm và thuốc, Phần 176-186 (21 CFR Phần 174-186) và còn nằm trong các quy định cụ thể tùy thuộc vào việc sử dụng chúng. Nếu chúng đã được xác nhận là một chất thường được công nhận là an toàn (GRAS), công ty không cần phải thông báo cho FDA về việc sử dụng nó trong ứng dụng tiếp xúc với thực phẩm (21 CFR Phần 184).

Năm 1995, FDA tiếp tục áp dụng quy tắc ngưỡng quy định, cho phép các chất không gây ung thư có nồng độ trong chế độ ăn uống dưới 0,5 ppb được miễn khỏi quy trình cấp phép. Hơn nữa, nếu chất này trước đây đã được quy định là phụ gia thực phẩm trực tiếp và việc sử dụng vật liệu tiếp xúc với thực phẩm sẽ không dẫn đến mức phơi nhiễm trên 1% ADI thì chất đó cũng có thể được miễn. Nếu chất đó có thể được dự kiến một cách hợp lý để trở thành một thành phần của thực phẩm thì chất đó sẽ được quy định theo Chỉ thị về Phụ gia Thực phẩm.

Chất tạo màu được phép sử dụng trong thực phẩm cũng được phép sử dụng trong việc in ấn vật liệu đóng gói. Một số loại mực in, chẳng hạn như mực đen có độ tinh khiết cao để sử dụng trong polyme (21 CFR § 178.3297), cũng có thể được cho phép theo các quy định riêng.

Ngoài ra, một số quốc gia khác có các quy định quản lý hoặc tiêu chuẩn về mực in trên bao bì thực phẩm. Ấn Độ có quy định về bao bì năm 2018 và tiêu chuẩn IS 15495:2020 Printing ink for packaging food – Code of practice (Mực in cho bao bì thực phẩm – Quy phạm thực hành), Canada có quy định CFIA và “Sức khỏe Canada” đưa ra các tiêu chuẩn về bao bì thực phẩm và khuyến nghị đối với bao bì tiếp xúc thực phẩm.

Australia và New Zealand áp dụng tiêu chuẩn Australia AS 2070-1999 Plastics materials for food contact use (Vật liệu dẻo tiếp xúc với thực phẩm) với cách tiếp cận giống của Châu Âu. Nhật Bản có Luật về vệ sinh thực phẩm, trong đó có các quy định bắt buộc về tránh lây nhiễm từ bao bì tới thực phẩm. Trung Quốc có tiêu chuẩn GB 9685-2016, trong đó có danh mục các vật liệu được phép sử dụng trong đóng gói thực phẩm.

Việt Nam đã có các quy định pháp luật liên quan tới an toàn vệ sinh bao bì thực phẩm: Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 (Điều 18); Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 38/2012/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư số 14/2012/TT-BYT quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất bao bì dược phẩm" và hướng dẫn triển khai, áp dụng; 

Thông tư số 02/2016/TT-BYT, Bổ sung điều 9 cho Thông tư số 14/2012/TT-BYT; Thông tư số 34/20118TT-BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trong đó ban hành 04 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT, QCVN 12-4:2015/BYT về an toàn vệ sinh đối với các loại bao bì tiếp xúc với thực phẩm.

Có thể thấy, các quy định của Việt Nam về quản lý bao bì thực phẩm khá đầy đủ tuy nhiên chưa có quy định cụ thể đối với mực in dành cho bao bì thực phẩm, trong khi đây là một trong những nguồn nguy cơ lây nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn, sức khỏe người tiêu dùng.

Bao bì thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản và bảo vệ thực phẩm khỏi nguồn ô nhiễm. Mực in là một phần không thể tách rời khỏi bao bì và rất quan trọng vì chúng cung cấp các thông tin, nhận diện thương hiệu và trang trí cho bao bì.

Thành phần chính của mực in bao gồm dung môi, bột màu, chất tạo màng và chất phụ gia. Thông thường phụ gia có trong công thức mực in với lượng nhỏ. Mặc dù phụ gia được sử dụng với lượng nhỏ nhưng chúng đóng vai trò hết sức quan trọng là cải thiện các đặc tính của mực in.

Việc sản xuất các sản phẩm an toàn để bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguồn ô nhiễm đi vào thực phẩm là xu hướng tất yếu trong công nghiệp mực in và bao bì. Do vậy, trong công thức mực in phải sử dụng các hợp chất an toàn. Để bảo vệ khách hàng ngành bao bì và công nhân ngành sản xuất mực in, cần có tiêu chuẩn mực in nhằm đưa ra các yêu cầu cơ bản về mực an toàn được sử dụng trong bao bì tiếp xúc với thực phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm nhằm ngăn chặn mối nguy hại cho người sử dụng, cũng như giảm thiểu tác hại đối với môi trường, đảm bảo các lợi ích cho cộng đồng.

Thực phẩm tốt nhất (Theo VietQ)

tag

L2

Bình luận

code

Các tin khác

Scroll