top brands
TH TRUE MILK

Hàn Quốc phát minh "gạo thịt"

27/02/2024 10:55

Hãy tưởng tượng bạn đang ăn bát cơm thịt bò dẻo thơm, nóng hổi, ngon lành, nhưng không phải bát cơm với những miếng thịt bò ăn cùng, mà là bát “cơm thịt bò” đúng nghĩa được nấu từ những “hạt gạo thịt bò”. Đây chính là công nghệ mới vừa được các nhà khoa học Hàn Quốc công bố tuần này.

Các nhà khoa học tại Đại học Yonsei tại Seoul (Hàn Quốc) đã tìm ra công nghệ “nuôi cấy” thành công loại gạo được “tích hợp” luôn cả các tế bào thịt bò và hứa hẹn trở thành loại ngũ cốc có thể thay thế thịt trong tương lai.

Gạo thay cho thịt

Nhóm chuyên gia gọi loại thực phẩm “lai” do họ mới phát triển là “gạo thịt”. Trong phòng thí nghiệm, loại gạo này được “tiêm” thêm các cơ thịt bò và tế bào mỡ. Thành quả thu được là loại gạo có màu hồng mà nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ tạo ra thêm lựa chọn thay thế khác cho thịt mang tính bền vững với môi trường hơn và cũng có giá cả phải chăng hơn. “Hãy tưởng tượng chúng ta có thể nhận tất cả dinh dưỡng cần thiết từ loại gạo protein được nuôi cấy từ các tế bào”, bà Park So-hyeon, đồng tác giả của công trình nghiên cứu “gạo thịt” chia sẻ với AFP về thành quả của nhóm. “Gạo vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng việc bổ sung các tế bào từ động vật có thể tăng cường thêm hàm lượng đó”, bà nói. Công trình nghiên cứu của họ được công bố ngày 14-2 trên tạp chí Matter.

Vậy nhóm nghiên cứu đã làm thế nào? Trong phòng thí nghiệm, loại gạo này được phủ lớp gelatin cá giúp các tế bào thịt bò bám rất chắc vào gạo và sau đó được nuôi trong đĩa Petri (loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo có dạng hình trụ mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào hay những cây rêu nhỏ) trong 11 ngày. Kết quả thu được cuối cùng là loại gạo có lượng protein cao hơn 8% và lượng chất béo cao hơn 7% so với gạo thông thường. Ngoài ra, gạo đó cũng cứng và dễ vỡ hơn gạo tự nhiên.

Điểm đặc biệt của quy trình nuôi cấy “gạo thịt” này là giúp giảm bớt lượng carbon thải ra môi trường vì quá trình sản xuất gạo đã loại bỏ nhu cầu phải nuôi các loại gia súc gia cầm vốn tiêu thụ “nhiều nguồn tài nguyên và nước, đồng thời phát thải rất nhiều khí nhà kính”. Cụ thể, theo thông cáo của nhóm nghiên cứu, cứ mỗi 100g protein tạo ra, loại gạo lai nói trên ước tính thải ra chưa tới 6,27kilogram carbon dioxide. Trong khi đó việc sản xuất thịt bò phát thải gấp 8 lần mức này. Nếu được thương mại hóa, loại “gạo thịt” này sẽ mang lại thêm cho người tiêu dùng một lựa chọn rẻ tiền hơn, trước hết ngay tại Hàn Quốc. Tại đây, ước tính giá gạo lai là 2,23USD/kg trong khi giá thịt bò vào khoảng 15USD/kg.

Nhóm nghiên cứu đang tìm giải pháp để hoàn thiện hơn nữa công nghệ sản xuất để các tế bào thịt có thể phát triển tốt hơn trong các hạt gạo và cho lượng dinh dưỡng cao hơn. “Một thành phần thực phẩm mới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực của nhân loại đã được tạo ra”, nhóm nghiên cứu tự hào nêu. Các giải pháp mới như vậy là rất thiết yếu để giúp loài người vượt qua “những quan ngại về y tế đang gia tăng, các nguy cơ bệnh lây nhiễm, biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên”.

Nhiều tiềm năng ứng dụng

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm với nhiều kiểu loại thực phẩm khác nhau nhưng các mô hình trước đó đã không thành công. Chẳng hạn họ đã cố đưa vào đậu nành các tế bào thịt động vật theo phương pháp tương tự như như với gạo thịt, song cấu trúc tế bào của đậu nành quá lớn nên người tiêu dùng “không thể cảm nhận được cấu trúc giống như thịt”.

Các giải pháp thay thế thịt và những đổi mới sáng tạo về thực phẩm đã trở thành xu hướng tìm tòi, nghiên cứu nở rộ trong các năm qua, gồm giải pháp tạo thịt từ thực vật cho tới các phương án tạo thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Tất cả đều hướng tới giảm bớt lượng phát thải khí nhà kính và có thêm nguồn lương thực mới cho con người. Dù vậy, những năm qua cũng chứng kiến nhiều sản phẩm thay thế thịt khá chật vật trong việc thâm nhập thị trường và giành được sự quan tâm từ người mua.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tự tin sản phẩm của họ có được lợi thế riêng. Theo đó, gạo thịt của họ sử dụng các thành phần nguyên liệu an toàn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng, qua đó giúp sản phẩm cuối cùng làm ra sẽ bền vững về mặt sản xuất và phù hợp túi tiền người mua.

Thực phẩm tốt nhất (Theo Đà Nẵng)

tag

L2

Bình luận

code

Các tin khác

Scroll