top brands
TH TRUE MILK

Phòng tránh ngộ độc với hạt nhiễm nấm mốc

20/07/2021 15:48

Đậu nành mốc được rửa qua rồi phơi khô để sử dụng; lạc, vừng, hướng dương, hạt bí mốc vẫn đem rang lại với hy vọng nấm mốc sẽ biến mất nhờ nhiệt độ cao... Đó là những thói quen tưởng chừng vô hại mà hậu quả lại khó lường của nhiều người tiêu dùng. Sử dụng các loại hạt đã bị nấm mốc không chỉ có thể gây đau bụng, ngộ độc tức thời mà đây còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư.

Nguy cơ ung thư

Nói đến ngộ độc thực phẩm, người ta thường nghĩ đến các chất độc có trong thực phẩm và vai trò của các vi khuẩn gây bệnh, ít đề cập đến các nấm mốc và độc tố của chúng. Tuy nhiên, thực phẩm, đặc biệt là các loại hạt như đậu nành, lạc, hạt điều, ngô... rất dễ bị nấm mốc nếu không được bảo quản đúng cách. Đặc biệt, theo các chuyên gia dinh dưỡng, lạc là loại hạt dễ bị sâu mọt, vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập nhất, và việc ăn lạc mốc gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người. Thủ phạm làm lạc mốc là một loài nấm mốc rất nguy hiểm có tên là aspergillus flavus. Loại nấm này tiết ra độc tố aflatoxin gây nhiễm độc gan. Các chuyên gia đã tính toán, một người nếu hấp thu 2,5mg aflatoxin trong thời gian 89 ngày có thể dẫn đến ung thư gan sau hơn một năm.

Các loại hạt, nếu không được bảo quản đúng cách, rất dễ bị nhiễm nấm mốc.

Kết quả từ một nghiên cứu gần đây về các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan nguyên phát của nhóm tác giả Bùi Thị Thanh Hà (Bệnh viện Hữu nghị), Phan Thị Kim (Bộ Y tế), Phạm Thị Thu Hồ (Trường Đại học Y Hà Nội) cũng đưa ra thông tin: Tỷ lệ aflatoxin trong tổ chức gan của 83,3% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị cho thấy có liên quan chặt chẽ với lượng aflatoxin xâm nhập qua đường ăn uống. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy lạc rang ở nhiệt độ lên tới 150oC trong nửa giờ thì các bào tử nấm đều bị diệt nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn, do đó, nếu ăn phải vẫn nguy hiểm. Như vậy, thói quen tận dụng những thực phẩm bị chớm mốc hoặc mốc, ăn thức ăn chế biến với lạc mốc ở một số người là rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, do thói quen tiết kiệm nên khi thực phẩm bị mốc, nhiều người không hủy bỏ mà đem rửa, phơi nắng các hạt mốc để sử dụng lại, điều đó tiềm ẩn nguy cơ có hại với sức khỏe. 

Sử dụng các loại hạt đã bị nấm mốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan.

Đừng tiết kiệm quá mức

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, thời tiết thay đổi thất thường làm gia tăng các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại, khi đó các loại thực phẩm có nguy cơ bị mốc nếu không được bảo quản tốt.

Khi lương thực, thực phẩm, nhất là các loại ngũ cốc bị nấm mốc, ở chúng xuất hiện lớp phủ màu xanh, đen hoặc vàng nâu bên ngoài vỏ. Một số loại hạt khi tách ra, bên trong cũng xuất hiện màu tương tự. Nấm mốc không những làm giảm thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn gây hại cho cơ thể con người. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, một số người có thói quen khi thấy thực phẩm bị mốc hoặc chớm mốc bên ngoài vỏ thì đem đi phơi hoặc rửa sạch trước khi chế biến. Đây là quan niệm sai lầm, bởi lẽ, nếu nấm mốc đã xuất hiện bên ngoài chứng tỏ chúng cũng đã phát triển cả ở bên trong thực phẩm. Do đó, tốt nhất là nên bỏ đi để tránh gây hại cho sức khỏe; không nên vì tiếc rẻ mà giữ lại.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, với các loại thực phẩm khô, nguyên tắc “vàng” để không bị ẩm, dẫn đến nấm mốc là phải để ở nơi khô ráo, có ánh nắng mặt trời, tránh nơi ẩm thấp. Các loại hạt, ngũ cốc có thể sử dụng vài tháng, thậm chí cả năm nếu biết cách bảo quản hợp lý. Nên phơi khô và đựng các loại ngũ cốc này trong lọ thủy tinh, hộp kín hoặc buộc nilon kín treo ở những nơi khô ráo, thoáng mát.


40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố.

Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm từ thói quen sử dụng thực phẩm chưa khoa học, theo chuyên gia, nếu phát hiện sản phẩm lên mốc xanh, vàng nâu hoặc đen thì phải loại bỏ, không nên tiếc của mà rửa sạch để dùng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không được dùng nguyên liệu bị mốc để chế biến các loại bánh kẹo, nước uống cho người tiêu dùng. Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu... để gửi đi xét nghiệm. Trong những trường hợp đó, cần báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để họ điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu cho người bị ngộ độc.

Theo Hà Nội mới

tag"thực phẩm","ngộ độc thực phẩm","nấm mốc","phòng tránh ngộ độc",

L2

Bình luận

code

Các tin khác

Scroll