Đường thô là loại đường chưa tinh luyện, chưa trải qua quá trình tách vitamin, khoáng chất và chưa bị tẩy màu. Sau khi sản xuất ra đường thô sẽ tiếp tục đem tinh chế (lọc tạp chất, tẩy trắng…) để cho ra đường cát trắng có màu trắng đẹp, không mùi nhưng cũng không còn vitamin và khoáng chất.
Tùy vào nguyên liệu sản xuất mà ta có nhiều loại đường thô như: đường mía thô – đường phên – mật mía (sản xuất từ nước ép mía), đường thốt nốt (sản xuất từ nước chiết bông thốt nốt), đường dừa – mật hoa dừa (sản xuất từ nước chiết hoa dừa), đường dừa nước (sản xuất từ nước chiết hoa dừa nước)…
Đường thô là dạng đường bổ sung nhưng tự nhiên nhất vì nó chỉ trải qua quá trình xử lý nhiệt để nước bốc hơi, còn lại chất đường và các chất khác. Vì vậy, so với đường nâu, đường tinh luyện, đường hóa học… thì đường thô tốt cho sức khỏe hơn vì không chỉ chứa năng lượng mà còn chứa các vitamin và khoáng chất. Vì vậy, đường thô vừa tạo độ ngọt, vừa giúp bồi bổ cơ thể. Do đó hiện nay rất nhiều người tin dùng sản phẩm đường thô trong quá trình chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên hiện nay xuất hiện rất nhiều loại đường nhập lậu, kém chất lượng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người tiêu dùng. Do đó để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì trong quá trình sản xuất đường thô nên theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6961:2023.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6961:2023 do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6961:2023 thay thế TCVN 6961:2001.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho đường thô, dùng để tinh chế tạo ra các sản phẩm đường thực phẩm hoặc được sử dụng trực tiếp mà không cần chế biến tiếp theo. Do đó yêu cầu về nguyên liệu dùng để chế biến đường thô phải đảm bảo các quy định hiện hành về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo đó yêu cầu về màu sắc thì đường thô phải đảm bảo tinh thể màu vàng nâu đến nâu và nâu sẫm, khi pha trong nước cất cho dung dịch có màu tương ứng từ vàng nhạt đến nâu. Đường thô ở trạng thái dạng hạt tương đối đồng đều, khô, rời. Tinh thể đường hoặc dung dịch đường thô trong nước có mùi, vị tự nhiên, không có mùi, vị lạ.
Về yêu cầu lý - hóa đối với đường thô được quy định độ pol, °Z, không nhỏ hơn 96,5; Độ màu, đơn vị ICUMSA, không lớn hơn 2500; Độ ẩm, % khối lượng, không lớn hơn 0,5; Hàm lượng đường khử, % khối lượng, không lớn hơn 0,65; Độ tro dẫn điện, % khối lượng, không lớn hơn 0,4; Hàm lượng lưu huỳnh dioxit (SO2), mg/kg, không lớn hơn 20.
Đối với kim loại nặng Tiêu chuẩn này hướng dẫn mức giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng trong đường thô theo quy định hiện hành. Mức giới hạn tối đa ô nhiễm độc tố vi nấm và ô nhiễm vi sinh vật đối với đường thô theo quy định hiện hành (nếu có).
Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì đường thô phải có khả năng cho phép truy xuất nguồn gốc, phù hợp với quy định hiện hành. Đường thô phải được đóng bao, dán nhãn và ghi nhãn theo quy định hiện hành.
Đường thô dạng hàng rời có thể không dán nhãn nhưng có hồ sơ kèm theo nhằm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc theo quy định của Tiêu chuẩn này. Bảo quản đường thô nơi khô, sạch, không bảo quản chung với các sản phẩm không phải là thực phẩm hoặc là thực phẩm có mùi. Phương tiện vận chuyển đường thô phải khô, sạch, không có mùi lạ.
Thực phẩm tốt nhất (Theo Vietq)