Sau khi gạo ST25 được công nhận là
gạo ngon nhất thế giới, nhiều cửa hàng đã in dòng chữ "ST25" rồi dán lên bao bì để đánh tráo. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-11, kỹ sư Hồ Quang Cua, Trưởng nhóm nghiên cứu giống lúa ST25, không giấu nổi vẻ mệt mỏi trước tình trạng giả mạo tràn lan. "Chỉ điểm cho QLTT nơi bán lúa giống giả, họ cũng bó tay!" - ông Cua nói.
Ngưng cung cấp gạo ST25
QLTT đến tận nơi lập biên bản rồi cũng không làm gì được vì không có "án lệ" về vụ việc này. Do đó, lúa giống giả được bán tràn ngập thị trường. Còn gạo ST25 dù mới bán thử nghiệm ở khoảng 20 cửa hàng tại TP HCM với số lượng hạn chế nhưng thực tế, hàng trăm điểm đang rao bán ST25 với giá cao hơn gạo thật cả chục ngàn đồng. Nhiều cửa hàng sử dụng cả hình ảnh của đoàn nhận giải thưởng gạo ST25 tại Philippines cũng như lấy logo đạt giải in ra đặt bên cạnh gạo của họ để giới thiệu là gạo ST25.
Để giải quyết tình trạng này, ông Cua đã quyết định tạm ngưng cung cấp mặt hàng gạo ST25 ra thị trường cho đến khi nào doanh nghiệp của ông thiết kế hoàn chỉnh bao bì cũng như sản xuất bao bì mới.
Ông Phạm Hữu Vinh, Trưởng Phòng Kinh doanh nội địa Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (gọi tắt là Công ty Tấn Vương có trụ sở tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cho hay đã nắm thông tin về một số cửa hàng lừa gạt khách hàng, bán gạo ST25 giả.
Cách nay khoảng 5 năm, Công ty Tấn Vương đã liên kết với kỹ sư Hồ Quang Cua để sản xuất, chế biến dòng gạo từ ST20 đến ST24. Dòng gạo mới nhất mà công ty liên kết tiêu thụ với ông Cua là gạo ST24, phía trên bao bì ghi rõ nhãn hiệu gạo Cát Tường (thương hiệu riêng của Công ty Tấn Vương).
Vừa qua, nhân viên một cửa hàng bán hàng online trụ sở ở quận 10, TP HCM đã chia sẻ lên Facebook quảng cáo bán gạo ST25 giả có ghi nhãn hiệu Cát Tường. Hiện nay, các trang Facebook này đã tự gỡ bỏ nội dung sai lệch.
"Công ty chúng tôi là nhà phân phối lớn cho các siêu thị trên cả nước thì luôn đặt chữ tín lên hàng đầu chứ không thể có chuyện "treo đầu dê bán thịt chó" kiểu đó được" - ông Vinh khẳng định.
Chẳng lẽ chịu thua gian thương!
Đại diện Cục QLTT TP HCM nói việc kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng giả ngày càng phức tạp vì cơ quan QLTT không thể biết chính xác mặt hàng đó giả như thế nào. Vì vậy, Cục QLTT TP HCM rất cần doanh nghiệp tố giác, cung cấp thông tin liên quan đến hàng giả. Từ đó, cơ quan QLTT có cơ sở theo dõi, kiểm tra, xử lý chính xác để tránh tình trạng kiện cáo sau này.
Ông Nguyễn Văn Sanh, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ, bảo rằng chưa nghe thông tin gạo ST25 giả. Để chống hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp sở hữu gạo ST25 cần phối hợp với cơ quan chức năng, như: QLTT, công an, hải quan, UBND các cấp để những nơi này nắm thông tin. "Còn không có thông tin thì chúng tôi đâu biết gì mà kiểm tra… Từ trước đến nay, chúng tôi chưa bắt gạo nào giả nhãn hiệu" - ông Sanh nói.
Ông Sanh cũng phản ánh gạo Nàng Thơm - một loại gạo thơm nổi tiếng ở xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - thường sản xuất 1 vụ/năm đủ ăn, có dư mới bán nhưng nhiều nơi bán gạo Nàng Thơm chợ Đào, cửa hàng nào cũng có!
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết hiệp hội chỉ tập trung vào hoạt động xuất khẩu là chính. Tình trạng lúa giống giả, gạo ST25 giả bán tràn lan thì cơ quan chức năng cần vào cuộc để hạn chế thiệt hại không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Hàng giả như thế nào chỉ có doanh nghiệp hiểu rõ nhất nên cần kết hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
TS kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng doanh nghiệp và tác giả thương hiệu gạo ngon không thể một mình chống chọi trước các kiểu gian thương đang bủa vây mà rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Công nghệ ngày nay hoàn toàn có thể cung cấp công cụ kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Thương mại và hệ thống pháp luật bảo vệ quyền tác giả... nhưng tại sao hàng giả vẫn có đất sống? Phải chăng hiệu lực, hiệu quả quản lý đang yếu kém, thực tế vẫn đang vướng ở biện pháp xử lý và tính đồng bộ của các quy định pháp luật cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan.
"Cần tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học, đưa công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng trước mắt cần cương quyết xử lý các kiểu làm ăn gian dối, chụp giựt đang diễn ra gần như thách thức dư luận. Như vậy, các thương hiệu mới không phải lép vế trước gian thương" - TS Hiệp nói.
Theo Nguoilaodong