Ông “trùm” mây tre xuất khẩu miền Bắc
Vốn xuất thân từ làng quê Ngọc Động (tỉnh Hà Nam) lại từng là lính chiến đấu trong chiến trường miền Nam nên trong con người Doanh nhân Nguyễn Xuân Mai có cả sự dung dị và quyết liệt trong công việc. Việc anh cứu sống làng nghề mây tre đan truyền thống Ngọc Động một thời được lan truyền như một câu chuyện cổ tích. Vượt ra khỏi tư duy của một làng nghề, Nguyễn Xuân Mai đã tạo ra một dấu ấn mới. Với phương thức tổ chức sản xuất độc đáo và phù hợp với vùng thôn quê đã khiến công ty gặt hái được nhiều thành công trong làng mây tre đan Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Mai giới thiệu quy trình trồng nấm.
Để tạo ra các vệ tinh vững chắc cho mình, Công ty Ngọc Động đã dạy nghề cho bà con tại 18 tỉnh ở miền Bắc, miền Trung thông qua các dự án xóa đói giảm nghèo. Sau khi dạy nghề cho bà con, công ty bán nguyên liệu chế biến thô cho họ và mua lại toàn bộ sản phẩm thô. Từ các sản phẩm thô này được công ty đưa về hoàn thiện thành sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Vào những thời kỳ cao điểm có đơn hàng lớn, công ty tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn.
Tìm được nguồn cung cấp hàng với số lượng lớn, lâu dài là một việc làm khó vì đặc tính sản xuất manh mún của nông dân Việt Nam. Song Công ty Ngọc Động đã làm được việc đó. Không những thế, việc khó hơn nữa là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm cũng được công ty đảm nhận hết. Dường như, đối với vị doanh nhân mang chất lính như Nguyễn Xuân Mai không có việc gì là không thể. Anh nhớ lại: “Thị trường xuất khẩu đầu tiên của công ty là Đài Loan. Ban đầu, để tìm đường xuất khẩu, công ty tôi phải thông qua một tổng công ty xuất khẩu khác. Nhưng khi đã gắn được nhãn mác Ngọc Động lên từng sản phẩm mây tre đan của công ty thì mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn”. Đây là một việc không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng làm được. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam để tồn tại đã chấp nhận làm gia công, làm thuê và phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.
Sản phẩm của Ngọc Động có tên tuổi trên thị trường quốc tế và tiến tiếp vào thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu gồm: Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển… rồi Ấn Độ, Châu Phi. Hiện nay, trên 70% sản phẩm của công ty xuất vào thị trường Mỹ, châu Âu. Khoảng 15% vào thị trường châu Á và còn lại ở các nước Châu Phi. Những kết quả này là niềm mơ ước của doanh nghiệp ngành mây tre đan.
Mô hình thử nghiệm thành công, Nguyễn Xuân Mai tiếp tục xây dựng dự án cấp tỉnh mang tên: Xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn theo quy mô lớn ở tỉnh Hà Nam từ 2012 - 2015. Trong dự án này, tỉnh hỗ trợ tiền cho dân trong việc trồng nấm. Hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư cho 4 loại nấm: mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ. Vai trò của công ty là chịu trách nhiệm toàn bộ khâu cung ứng giống theo bịch cũng như tập huấn, chuyển giao KHCN cho bà con trong toàn tỉnh. Đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, kể cả quy mô lên đến hàng nghìn hộ. Công ty còn đứng ra ký hợp đồng với từng hộ nông dân về việc chỉ đạo sản xuất và bao tiêu sản phẩm, có sự chứng kiến của chính quyền.
Được sự tận tâm hướng dẫn của công ty cùng với bài toán kinh tế mà anh Mai đã tính toán chi li và công khai nên bà con tin tưởng. Nhờ đó, kể từ tháng 9/2012 đến nay, tỉnh Hà Nam đã có trên 400 hộ tham gia trồng nấm. Dự kiến, năm nay có thể thu được 6 tấn nấm rơm, 1.000 tấn mộc nhĩ tươi và 100 tấn nấm mỡ.
Anh Nguyễn Xuân Mai cho biết: “Bà con nông dân có tư duy rất thực tế. Không dễ gì mà thuyết phục được họ tin theo mình trừ khi họ nhìn thấy rõ ràng lợi ích đem lại”.
Anh cũng khẳng định, trồng nấm có thể đem lại lợi nhuận 2 tỷ đồng trên một héc ta. Theo tính toán của anh thì đầu tư diện tích nhỏ khoảng 150m2 trồng 4 loại nấm: nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm rơm với 280 công, có thể cho lãi từ 35 - 50 triệu đồng/ hộ.
Ngoài giá trị kinh tế cao, trồng nấm tạo ra ngành nghề mới ở nông thôn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.