Trong cuốn sách, Makita Zenji đã khẳng định yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt về sức khỏe của mỗi người trong chúng ta không gì khác ngoài chế độ ăn uống mỗi ngày. Những thứ chúng ta ăn thực ra còn chi phối sức khỏe và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.
Tác giả sách cho biết cơ thể con người được trang bị sẵn một thứ gọi là “hệ thống tiêu hóa - hấp thu”. Nhờ có hệ thống này mà những đồ ăn đi vào miệng sẽ được tiêu hóa, biến thành các chất dinh dưỡng đã được thay đổi hình dạng và hấp thu theo nhu cầu của cơ thể.
Chính khâu thay đổi mới là điều quan trọng hơn cả. Những đồ mà chúng ta ăn không phải cứ như vậy mà biến thành một phần của cơ thể, mà nó được thay đổi cấu trúc trong quá trình chuyển hóa và tổng hợp thành nhiều chất khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều phương pháp ăn uống dành cho con người hiện đại không ngừng được sáng tạo ra bởi những người tự xưng là “chú ý đến sức khỏe”. Nhưng nhiều người trong số họ chẳng biết chút gì về những thứ cho vào miệng mình, nên những nỗ lực sáng tạo của họ lại trở thành những nỗ lực để bị bệnh.
Ví dụ có người hạn chế calo và chất béo để giảm cân, tuy nhiên theo thường thức y học hiện nay, nguyên nhân sinh ra tình trạng béo phì là do carbohydrate và chẳng có quan hệ gì tới chất béo.
Mặt khác, nhìn ở một góc độ chuyên sâu của một bác sĩ chuyên khoa về bệnh tiểu đường, tác giả sách cho biết xã hội hiện đại đang tràn ngập những thứ vốn tuyệt đối không nên đưa vào miệng, mà nhiều người lầm tưởng có vẻ như rất tốt cho sức khỏe. Điển hình nhất có thể kể đến các loại carbohydrate không cần nhai, ví dụ cà phê lon hay nước ngọt đóng chai. Đó chỉ là những thứ chất lỏng hòa tan trong đường, chứa đầy những thứ có hại cho sức khỏe.
Theo tác giả, cơ thể một người khỏe mạnh có khoảng 4.5 lít máu, nồng độ glucose trong máu (chỉ số đường huyết) lúc đói là 90 mg/dl. Nói cách khác, trong máu của chúng ta có xấp xỉ 4 g glucose. Đó là chỉ số glucose bình thường, đủ cho cơ thể con người.
Vậy là trong khi cơ thể chỉ cần 4 glucose, nhưng lại đột ngột nạp một lượng lớn đường bằng cách uống những loại đồ uống như cà phê đóng lon thì sẽ xảy ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột lên tới khoảng 140 chỉ sau 30 phút nạp vào. Ngay sau đó, chỉ số đường huyết sẽ giảm xuống một mạch khiến cơ thể rơi vào tình trạng lượng đường trong máu quá thấp.
Từ việc phân tích những vấn đề lớn của chỉ số đường huyết và những phương pháp ăn uống sai lệch với cơ chế của cơ thể, tác giả cho rằng điều quan trọng là chúng ta kiểm soát được chỉ số đường huyết trong các bữa ăn.
Trong cuốn sách, dựa trên những dữ liệu y học mới nhất, tác giả đã đưa ra 20 cách ăn đúng đắn mang tính y học. Những cách ăn này được tóm tắt và giới thiệu trong chủ đề “10 thường thức mới” và “10 món ăn tốt cho cơ thể”.
Trong chủ đề “10 thường thức mới” tác giả cung cấp các tri thức y học liên quan đến cơ chế hoạt động của cơ thể, chẳng hạn: Đường là nguyên nhân duy nhất gây béo; Calo và béo phì không liên quan đến nhau; Chất béo không làm ta béo lên; Chỉ số Cholesterol không thay đổi bởi chế độ ăn; Ăn từng bữa nhỏ sẽ giúp bạn không bị tăng cân; Ăn hoa quả gây béo; Ăn đồ ngọt lúc mệt mỏi gây phản tác dụng….
Trong chủ đề "10 món ăn tốt cho cơ thể”, tác giả đưa ra những món ăn tốt nhất theo y học như: dầu oliu, các loại hạt cứng, sô cô la, đậu tương, phô mai, việt quất xanh, cà phê…
Theo tác giả, với những người không có thời gian thì chỉ cần biết được những phương pháp này cũng có thể tạo ra những chuyển biến tích cực trong chế độ ăn uống của bản thân.
Cũng trong cuốn sách, tác giả đã lần lượt giải thích về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời giải thích về kỹ thuật ăn uống giúp kiểm soát tốt chỉ số đường huyết. Ngoài ra, từ các tài liệu liên quan đến những khu vực có nhiều người sống thọ trên thế giới, tác giả cho biết cách ăn uống, sinh hoạt của những người thọ 100 tuổi trên toàn thế giới.
Thực phẩm tốt nhất (Theo Zingnews)