top brands
TH TRUE MILK

Chợ kinh doanh thực phẩm cần đảm bảo theo 'chuẩn' nào?

11/01/2020 15:54

Tiêu chuẩn TCVN 11856:2017 vừa được công bố có những quy định chi tiết đối với loại hình chợ kinh doanh thực phẩm.

 TCVN 11856:2017 do Viện Nghiên cứu Thương mại và Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương biên soạn, Bộ Công Thương đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
 
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và phương pháp đánh giá chợ kinh doanh thực phẩm. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản; chợ tạm; chợ nổi (trên sông, biển).
 
Yêu cầu về vị trí, địa điểm: Chợ không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác; cách các nguồn gây ô nhiễm tối thiểu 500m.
 
Yêu cầu về bố trí: Thực hiện bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh thuận lợi cho việc kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm; chợ được phân khu chức năng thành từng khu vực riêng biệt nhằm tránh lây nhiễm chéo, được ngăn cách bởi đường đi có chiều rộng tối thiểu là 1,5 m; tại các khu vực kinh doanh có biển hiệu thông báo; khu vực kinh doanh phi thực phẩm (quần áo, khu vực kinh doanh hàng gia dụng…) được bố trí tách biệt với các khu vực kinh doanh thực phẩm khác; niêm yết sơ đồ chỉ dẫn phân khu của chợ tại cửa ra vào chính của chợ.
 
Yêu cầu về thiết kế: Chợ được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm thời gian sử dụng tối thiểu là 5 năm; sàn khu vực buôn bán thực phẩm thoát nước tốt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà, mái che, tường, cột làm bằng vật liệu bền, không bị dột, thấm nước; đảm bảo bậc chịu lửa tối thiểu bậc I, II đối với chợ kiên cố và bậc III đối với chợ bán kiên cố.
 
Yêu cầu về hệ thống chiếu sáng: Chợ được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; nguồn ánh sáng, cường độ ánh sáng bảo đảm dễ nhận biết, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng an toàn sản phẩm.
 
Yêu cầu về nước sử dụng trong chợ và hệ thống thoát nước: Có hệ thống cấp nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ; có hệ thống cấp, thoát nước đến từng hộ kinh doanh thịt, thủy hải sản tươi sống, dịch vụ ăn uống; chợ có hệ thống thoát nước, có đầy đủ hố ga, lưới chắn rác, nắp đậy ngăn mùi và thường xuyên làm vệ sinh, thông tắc.


Ảnh minh họa từ báo Quảng Ninh 

Yêu cầu về kho, khu vực bảo quản thực phẩm (nếu có): Kho, khu vực bảo quản thực phẩm cần duy trì điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và các yếu tố bảo đảm an toàn thực phẩm khác theo quy định và yêu cầu về bảo quản thực phẩm của nhà sản xuất; có biện pháp, dụng cụ chống côn trùng và động vật gây hại; sản phẩm thực phẩm không được để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng khác có khả năng lây nhiễm chéo hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Yêu cầu đối với khu bán gia cầm sống và khu giết mổ gia cầm (nếu có): Khu bán gia cầm sống phải tách biệt với khu bán thực phẩm khác với khoảng cách tối thiểu là 2,4m, thuận lợi cho việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, thu gom, xử lý nước thải, chất thải; khu giết mổ gia cầm tại chợ (nếu có) phải có đủ điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ.
 
Yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy: Chợ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định trong TCVN 6161:1996 và các quy định hiện hành; khi thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật khác có liên quan phải tuân thủ theo các quy định hiện hành về phòng cháy và chữa cháy; điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chợ phải tuân thủ theo các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành và một số yêu cầu cơ bản.
 
Yêu cầu về vệ sinh môi trường: Có hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác thải hàng ngày; tần suất vệ sinh trong ngày bố trí phù hợp với chợ, bảo đảm giữ chợ sạch sẽ; trang bị thùng chứa rác thải có nắp đậy kín tại các nơi công cộng trong chợ, tại các vị trí đặt thùng rác công cộng có các biển thông báo giữ vệ sinh và chỉ dẫn bỏ rác đúng nơi quy định; định kỳ tổ chức khử trùng và tiêu diệt côn trùng, động vật gây hại bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm tại chợ.
 
Yêu cầu về nhà vệ sinh: Nhà vệ sinh bố trí cách biệt với khu kinh doanh thực phẩm và được xây dựng đáp ứng điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn nhà tiêu dội nước tự hoại; có số lượng phòng vệ sinh phù hợp với quy mô chợ; phòng vệ sinh nam, nữ được bố trí riêng biệt, thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ; nhà vệ sinh được xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn 25 hộ kinh doanh/nhà vệ sinh; chỗ rửa tay có thể bố trí trong hoặc ngoài nhà vệ sinh, có đủ dụng cụ, xà phòng, các chất tẩy rửa để vệ sinh và rửa tay, có bảng hướng dẫn quy trình rửa tay và bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở nơi dễ nhìn.
 
Yêu cầu khác: Có nội quy chợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có quy định về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh tại chợ, nội quy được niêm yết tại chợ và phổ biến cho các hộ kinh doanh thực hiện; có tổ chức quản lý chợ; đáp ứng các yêu cầu bắt buộc tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
 
Bên cạnh đó, TCVN 11856:2017 cũng đề ra yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ, yêu cầu đối với tổ chức quản lý chợ và các tiêu chí đánh giá đối với chợ kinh doanh thực phẩm.
 
Theo Vietq

tag

L2

Bình luận

code

Các tin khác

Scroll