top brands
TH TRUE MILK

Nhận biết nước ngầm dán nhãn nước khoáng

11/01/2020 15:54

Vụ việc một công ty sản xuất nước uống sử dụng nước ngầm đóng chai lại ghi nhãn là nước khoáng khiến không ít người tiêu dùng hoang mang. Làm thế nào để nhận biết đâu là chai nước khoáng, đâu là nước ngầm được gắn mác nước khoáng?

Nhập nhèm nước khoáng, nước ngầm

Vừa qua, Công ty CP Du lịch khoáng nóng Nha Trang Seafood F17 (Công ty Seafood F17) sản xuất nước mang nhãn hiệu “Nước khoáng thiên nhiên Onsen đóng chai tại nguồn” (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) dù chưa được Bộ TN&MT cấp phép khai thác nước khoáng khiến dư luận không ít băn khoăn.


Toàn bộ số sản phẩm nước khoáng đóng chai bán ra thị trường chưa được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt là nước khoáng, chỉ đơn giản là nước ngầm. Làm thế nào để nhận biết đó là nước ngầm hay nước khoáng là câu hỏi không dễ với người tiêu dùng.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, người tiêu dùng khi mua nước uống đóng chai chỉ biết nhìn vào nhãn mác chứ không thể có kỹ năng nhìn vào nước mà biết được đâu là nước khoáng, đâu là nước ngầm.

Nếu doanh nghiệp nhập nhèm, người tiêu dùng cũng rất khó để nhận biết. Ngoại trừ trường hợp nếu có nghi ngờ, chỉ cần để hai chai nước khác nhau để nếm thử. Nước lọc thường có vị ngọt ngọt, mát, còn nước khoáng có vị hơi mặn, chát, cảm giác ngang ngang.

Kể cả những chai nước có hàm lượng khoáng rất nhẹ cũng có thể phân biệt được nếu uống đối sánh nước khoáng xong uống nước lọc.

“Bất cập là hiện nay, tiêu chuẩn Việt Nam cho nước khoáng và nước uống đóng chai rất rộng nên nhiều doanh nghiệp lạm dụng, làm không đúng tiêu chuẩn. Doanh nghiệp gian dối trong tem nhãn thì chỉ các cơ quan chức năng mới phát hiện được.

Việc quản lý sản xuất nước đóng chai cũng còn lỏng lẻo nên tình trạng nước một đằng, nhãn mác một nẻo không phải là hiếm. Người tiêu dùng chỉ còn biết tự mình nhận biết, dựa trên độ tin cậy của nhãn mác cùng với kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm, để lựa chọn được loại nước uống an toàn”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Không phải cứ nước khoáng là tốt

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, nước khoáng có giá thành đắt hơn nước lọc, thậm chí có những nguồn nước khoáng chữa được bệnh. Tuy nhiên, không phải cứ nước khoáng là tốt cho sức khỏe, không phải cứ khai thác được nguồn nước khoáng trong tự nhiên là đem lại lợi nhuận cao.

Thực tế, có những nguồn nước mà lượng khoáng vượt quá mức cho phép gây ngộ độc. Có những nguồn nước thì nồng độ lưu huỳnh quá cao, các chất độc khác cũng rất cao, không thể uống được. Do đó, để xác định đó có phải là nguồn nước sử dụng, khai thác được không, phải có sự chứng nhận của các cơ quan chức năng.

Việc doanh nghiệp không có giấy phép mà khai thác nước ngầm rồi đóng chai dán nhãn nước khoáng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng.

“Không phải cứ gọi nước khoáng là uống được. Kể cả các mỏ nước khoáng có thể chữa được bệnh cũng phải có khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Nước khoáng có thể là nước mặt, cũng có thể phải khai thác ở độ sâu nhất định nào đó, nhưng là nước có chứa khoáng chất tốt cho sức khỏe con người.

Việc uống quá nhiều nước khoáng cũng không tốt. Nếu cơ thể thừa khoáng, khả năng ngộ độc khoáng sẽ rất lớn. Ngược lại, nếu chỉ uống nước tinh khiết, cơ thể sẽ đào thải khoáng chất, dẫn đến mất chất điện giải, cũng nguy hại cho sức khỏe” - PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Người tiêu dùng không nên ham uống nước khoáng nhiều quá, vì thành phần có trong nước khoáng không phù hợp với nhiều người. Hàm lượng natri cao sẽ làm tăng huyết áp. Những người bị bệnh phù (tim, thận...) lại đặc biệt phải kiêng nước khoáng vì natri trong nước khoáng sẽ làm bệnh nặng thêm.

Đặc biệt, có những hàm lượng trong nước khoáng khi đi vào cơ thể làm phá vỡ hằng số sinh lý cơ thể, buộc thận phải tiếp tục một khâu nữa để đào thải ra ngoài như natri, canxi, magiê... Để cơ thể trở lại bình thường thì cùng với nó, chức năng của thận cũng sẽ bị suy yếu.

Các loại nước khoáng thiên nhiên thường có nồng độ khoáng không quá cao nên những người trưởng thành có chức năng thận tốt có thể sử dụng được. Nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước, sau đó vẫn nên dùng nước tinh khiết để bù nước cho cơ thể.

Đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Người bệnh thận có chức năng thải khoáng kém cũng không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù...

Riêng với trẻ em, chỉ sử dụng nước tinh khiết không có chứa chất khoáng để pha sữa và cho trẻ uống hằng ngày, vì chức năng thận của trẻ em còn non yếu và cũng không nên bắt thận trẻ làm việc nhiều hơn để thải chất khoáng dư thừa ra ngoài.

Nước khoáng chỉ nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy hay nôn nhiều bị mất chất khoáng cần bổ sung. Ngoài ra, các vi khoáng như kẽm nếu quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc kẽm cấp tính với biểu hiện đau vùng thượng vị, chóng mặt và nôn mửa.

Còn Fluor là chất khoáng quan trọng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, giúp men răng cứng hơn. Nhưng nếu sử dụng fluor không đúng có thể dẫn đến ngộ độc fluor.

Theo Giaoducthoidai

tag

L2

Bình luận

code

Các tin khác

Scroll